Nhạc Sĩ Quý Luân

PHỎNG VẤN NHANH

Ngày xưa có một cậu bé đi học PIANO, khi về nhà – cậu bé lấy tấm bìa carton vẽ những phím đàn PIANO và tập bấm các nốt nhạc để chuẩn bị cho ngày mai kiểm tra... Thời gian cứ thế trôi đi, và như là một định mệnh, hơn 30 năm sau – cậu bé ngày nào đã trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp, chuyên sáng tác ca khúc, chủ đạo là nhạc Phật giáo. Có những ca khúc Phật Giáo của Nhạc sĩ được nhiều người biết đến và đón nhận như: Chắp tay Niệm Phật, Dưới Đài Sen, Em Mừng Phật Đản Sanh, Tình Ca Dâng Mẹ, Mẹ Là Vầng Trăng, Chúc Xuân... Những ca khúc ấy đi sâu vào lòng người và nhiều người tìm tới ngôi nhà tâm linh cũng nhờ những ca khúc đó. Người mà chúng tôi muốn nói đến chính là nhạc sĩ Quý Luân. Chúng tôi gặp nhạc sĩ tại nhà riêng ( 207/51/12K Nguyễn Văn Đậu, P11, Q. Bình Thạnh. ) để trao đổi và trò chuyện về nhạc phật giáo ngày nay.

Nhạc sĩ Quý Luân (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Hiền Huy Hòa Hiệp: Con chào Chú. Xin Chú giới thiệu vài nét về bản thân.

Nhạc Sĩ Quý Luân: Chú sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Trước đây chú ở quận 1 – sau khi công việc ổn định, Chú đã mua nhà riêng ở Quận Bình Thạnh và mở Phòng thu âm STUDIO QUÝ LUÂN tại nhà. Cô Mỹ Hạnh ( vợ Chú ) cùng làm trong ngành âm nhạc và biên tập chương trình, hỗ trợ cho chú trong công việc. Chú có một bé gái tên Minh Tú 9 tuổi, hiện đang học lớp 4.

Hiền Huy Hòa Hiệp: Chú sáng tác hai dòng nhạc ( nhạc đời – nhạc đạo ). Vậy cơ duyên nào đã khiến chú đến với âm nhạc phật giáo? Cảm nhận của chú?

Nhạc Sĩ Quý Luân: Từ lúc còn đi học phổ thông, Chú đã tham gia những chương trình ca nhạc của nhà trường, cộng đồng. Thời điểm đó âm nhạc đã phát triển mạnh ( thể loại: Disco, Rock, Pop...) nhưng là nhạc ngoài đời. Không lâu sau, Chú có duyên đến chùa vào thập niên 1980, và Chú rất thích nhạc Phật giáo. Đã là cơ duyên thì không giải thích được, lúc đó nhạc Phật giáo chưa được như bây giờ ( còn nghèo nàn, những tác phẩm Phật giáo không nhiều, không rộng rãi trên thông tin đại chúng ). Trong các chùa chỉ có những bài nhạc lễ như Trầm Hương Đốt, Phật Giáo Việt Nam, Dâng Hoa…

 Chú tham gia biểu diễn và sáng tác Nhạc Phật Giáo từ 1992 đến nay. Bên cạnh đó Chú vẫn cộng tác với các Trung tâm Ca Nhạc như Rạng Đông, Kim Lợi, Bến Thành Audio, Đài Truyền Hình, Đài Phát Thanh, và các ca sĩ để viết các ca khúc theo yêu cầu.

Hiện nay Chú đang công tác tại Trung Tâm Văn Hóa – Hội Âm Nhạc Thành Phố. Thời gian này gần tết nên các Đài Truyền Hình liên lạc với Chú, nhờ cung cấp một số ca khúc về xuân để quay hình và phát sóng trong dịp Tết...

Theo Chú nhạc Phật giáo rất có ý nghĩa và chiều sâu. Điển hình là những ca khúc thuộc thể loại ca ngợi công ơn Cha Mẹ - Tình Yêu – Quê Hương – Đất Nước – Thầy Tổ và nhất là những bài ca ngợi Đức Phật. Tuy nhiên Chú vẫn sáng tác ở hai lĩnh vực Đời và Đạo!

Hiền Huy Hòa Hiệp: Sáng tác nhạc Phật giáo không hề đơn giản về giai điệu và ngôn từ Phật Pháp, có khi nào chú muốn bỏ cuộc chưa ạ?

Nhạc Sĩ Quý Luân: Khi đã có định hướng và đặt trọn niềm đam mê vào con đường mình đã chọn thì không có lý do gì để bỏ cuộc! Những tác phẩm của Chú khi công diễn, được các ca sĩ trong và ngoài nước thể hiện, đã được sự đón nhận nồng nhiệt từ khán thính giả, Chú rất vui và hạnh phúc về điều đó.

Hiền Huy Hòa Hiệp: Chú có mong muốn bé Minh Tú sau này sẽ là ca sĩ không?

Nhạc Sĩ Quý Luân: Bé Minh Tú sau này lớn lên, nếu thích thì Chú mới hướng bé theo con đường ca hát. Hiện nay Bé còn nhỏ nên việc học của bé là quan trọng nhất. Vào những ngày lễ lớn của Phật giáo thì Chú cho bé tham gia. Nói chung là tùy duyên, sau này bé lớn,  đủ suy nghĩ và nói “ Ba ơi! Con thích theo ngành ca hát ” thì Chú sẽ định hình cho bé. 

Gia đình NS.Quý Luân (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Hiền Huy Hòa Hiệp: Hiện nay có khá nhiều ca sĩ hát nhạc Phật giáo, tuy nhiên người nghe chưa tán thành về vấn đề nội dung bài hát, trang phục… không gian diễn… ngôn từ khi giao lưu. Là một nhạc sĩ – ca sĩ, Chú có ý kiến gì về vấn đề này?

Nhạc Sĩ Qúy Luân: Thời gian gần đây nhiều ca sĩ đến chùa hát, trước là đem tới sự an lạc cho chính mình, sau là đón nhận niềm vui, hạnh phúc khi diễn nhạc Phật giáo được sự đón nhận nồng nhiệt của Quý Ôn -  Quý Thầy, Quý Sư Cô và Phật tử, khán thính giả. Để được như vậy, người biểu diễn nên tìm hiểu và chọn những bài hát có nội dung phù hợp với không gian, hoàn cảnh của chùa ( Như các chủ đề: Quê Hương - Đất Nước, Cha - Mẹ, Triết Lý Cuộc Sống, Tình Yêu Muôn Loài...)  không nên hát những bài tình yêu ủy mị ( Vd như: NGƯỜI ẤY VÀ TÔI EM CHỌN AI?, VẦNG TRĂNG KHÓC...) tạo sự phản cảm cho người nghe trong ngôi nhà tâm linh. Về trang phục thì nữ nên mặc kín đáo, khi hát song ca nam nữ nên tránh những cử chỉ thân mật như ngoài đời.

Cháu cảm ơn Chú đã dành chút ít thời gian phỏng vấn, kính chúc Chú và gia đình luôn an vui hạnh phúc.
Nguồn: Đạo Phật Ngày Nay